Sự nghiệp nghiên cứu Nguyễn_Khuê

Nghiên cứu Hán Nôm

PGS-TS Đoàn Lê Giang đã nhận định trong bài Nhà giáo, học giả, nhà thơ Nguyễn Khuê:

Nghiên cứu Hán Nôm là lĩnh vực ông dồn nhiều công sức và có nhiều đóng góp quan trọng. Phong cách nghiên cứu của ông là nghiêm cẩn, khoa học và trọng tư liệu. Các vấn đề mà ông trình bày bao giờ cũng tường tận, ngọn ngành, rõ ràng, khúc chiết. Những nghiên cứu và biên dịch của ông về Khổng tử, Phật giáo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tương An Quận vương, Hồ Biểu Chánh,… là những đóng góp quan trọng của ông với học thuật nước nhà, sẽ tồn tại mãi với thời gian.[1]

Các công trình nổi bật

Một trong những công trình đáng chú ý nhất của Nguyễn Khuê là tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập vốn là luận án tiến sĩ được hoàn thành trước năm 1975 và chính thức xuất bản năm 1991. Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tư tưởng, nhà thơ lớn nhất nước ta thế kỷ XVI, có nhiều ảnh hưởng lớn trong lịch sử văn học và văn hóa dân tộc, nhưng lại ít có công trình nghiên cứu chuyên biệt về ông từ thập niên 1990 trở về trước. Giáo sư Nguyễn Khuê đã đào sâu nghiên cứu, phiên dịch 100 bài thơ chữ Hán của ông, giới thiệu đầy đủ thân thế và sự nghiệp của Trạng Trình, đặc biệt là tình cảm, tư tưởng, giá trị nội dung và nghệ thuật của Bạch Vân am thi tập.[7]

Nguyễn Khuê còn có công lớn phát hiện, phục hồi địa vị cho nhà thơ Tương An Quận vương (trong bộ ba Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Tương An Quận vương). Từ năm 1970, qua công trình nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo công phu Tâm trạng Tương An Quận vương qua thi ca của ông, tác giả Nguyễn Khuê đã vén bức màn phủ bụi thời gian để soi rọi, trả lại cho nền văn học nước nhà chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của một nhà thơ tiêu biểu của triều Nguyễn. Năm 2005, công trình có giá trị này về Tương An đã được Nhà xuất bản Văn Nghệ tái bản.[7]

Sự trân quý của Nguyễn Khuê đối với di sản tiền nhân còn thể hiện qua những công trình khảo cứu dịch thuật khác như: Chân dung Hồ Biểu Chánh (1974), Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (soạn chung, 1999 và 2000), Tùy Dượng đế diễm sử (2010), Khổng Tử - chân dung, học thuyết và môn sinh (2012), Văn học Hán Nôm ở Gia Định - Sài Gòn (2011), v.v.[7]

Từ việc phân loại 5038 đầu sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nguyễn Khuê chỉ ra sự bao quát mọi lĩnh vực văn hóa Việt Nam qua nội dung thư tịch Hán Nôm. Ông chia sẻ:

Nghiên cứu di sản văn hóa Hán Nôm chính là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, vốn quý của dân tộc. Nghiên cứu Hán nôm sẽ bổ sung cho nghiên cứu văn hóa dân gian, đồng thời tiếp thêm bề dày lịch sử cho văn hóa Quốc ngữ.[2]

Nghiên cứu Trung Quốc Học

Năm 2009, một nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Quốc lập Đài Loan do Giáo sư Chih-yu Shih đứng đầu đã tổ chức chương trình nghiên cứu Các nhà Trung Quốc học thế giới - Lịch sử qua lời kể tại Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc,... Tại Việt Nam, chương trình được thực hiện bởi Đại học Quốc gia Hà NộiĐại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đợt đầu đã chọn ra 10 học giả để phỏng vấn trực tiếp, trong đó có Nguyễn Khuê bên cạnh những cây đại thụ Hán Nôm khác như Bửu Cầm, Phạm Thị Hảo, Nguyễn Tôn Nhan, Cao Tự Thành,...[8]

Trong suốt sự nghiệp nhà giáo của mình, Nguyễn Khuê đã nghiên cứu để giảng dạy những môn học thuộc phạm trù Trung Quốc học: nghiên cứu tiếng Hán cổ (cổ đại Hán Ngữ), văn học, triết học, sử học, văn hóa Trung Quốc và Phật giáo Trung Quốc.[8]

Các tác phẩm biên dịch về Trung Quốc học đã được xuất bản của Nguyễn Khuê bao gồm: Giảng giải văn phạm Hán văn (2003), Sơ lược tiểu sử và ảnh tượng chư tổ Thiên Thai tông (biên dịch chung, 2005), Phật học Trung đẳng - tập 2: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc (2008). Các tác phẩm biên khảo của ông phải kể đến: Tự học Hán văn (1973), Từ điển Hán - Việt (chủ biên, 1991),... Ngoài ra, phải kể đến những bài nghiên cứu đáng chú ý đã được tập hợp đề in thành sách Ba mươi năm cầm bút (2004): "Mối quan hệ giữa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo qua một số Phật thoại Trung Quốc", "Lược khảo và đánh giá sách Cổ kim đồ thư tập thành",...[8]

Nghiên cứu văn học Nam bộ (cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ XX)

Ngoài văn hóa Hán Nôm, GS. Nguyễn Khuê còn dành tâm huyết khảo sát nghiên cứu văn học Nam bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, giai đoạn chuyển tiếp từ truyện thơ Nôm, truyện văn xuôi Hán và Nôm sang văn xuôi Quốc ngữ. Theo ông, giai đoạn quá độ này bắt đầu từ năm 1865 với sự ra đời của tờ báo Quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo đến cuối thập niên 1920 khi nhiều tiểu thuyết Quốc ngữ xuất hiện ở Nam Kỳ như: Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920) của Nguyễn Chánh Sắt, Tô Huệ Nhi ngoại sử (1920) và Oan hồng quần (1920) của Lê Hoằng Mưu, Kim thời dị sử (1921) của Biến Ngũ Nhy và đặc biệt là hàng loạt tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, trước khi ở Bắc Kỳ xuất hiện các tiểu thuyết Quốc ngữ như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách hoặc Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật vào năm 1925.[2]

Nguyễn Khuê đã dành nhiều thời gian dày công nghiên cứu sự nghiệp của Hồ Biểu Chánh qua công trình nghiên cứu Chân dung Hồ Biểu Chánh được xuất bản năm 1974.

Nghiên cứu Phật Học

Giáo sư Nguyễn Khuê còn là một nhà nghiên cứu và biên dịch văn chương Phật Học. Ông từng dạy tại trường Cao cấp Phật học (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam), trường Cao đẳng Phật học và trường Cơ bản Phật học (nay là trường Trung cấp Phật học Thành phố Hồ Chí Minh). Ngoài ra, ông còn được mời dạy Hán – Nôm ở các chùa, như Già Lam, Bảo Vân, Phước Hòa, tu viện Huệ Quang, v.v. Các công trình nghiên cứu của ông trong lĩnh vực này phải kể đến Phật học Trung đằng (2 tập, biên dịch, 2007, 2008) và Luận lý học Phật giáo (2013).[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn_Khuê http://www.tuvienquangduc.com.au/xuan/101coitramna... http://dongtanguyentanphuc.blogspot.com/2010/12/ca... http://tapchivanhoaphatgiao.com/nhan-vat/luan-hoi-... http://baovannghe.com.vn/nguyen-khue-lang-le-khai-... http://leminhquoc.vn/the-loai-khac/tac-pham-cua-ba... http://vannghedanang.org.vn/news/view/nguoi-tam-hu... https://www.youtube.com/watch?v=iMWjvTQ8Pkw https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Khu%C3%AA-I... https://web.archive.org/web/20200404135227/http://... https://baodanang.vn/channel/5414/201701/nguyen-kh...